“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” – Theo quan niệm xưa, nếu lựa chọn được mảnh đất có đầy đủ 3 tiêu chí này thì quả đúng là thiên thời – địa lợi – nhân hòa…
- “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà Xong ba cái đó mới là người hay”
Mua trâu phải tậu con khỏe mạnh, béo tốt; cưới vợ phải lấy người đẹp người, đẹp nết; và muốn gia đình hưng thịnh cần phải chọn được mảnh đất có phong thủy tốt. Ngày xưa khi chọn mua đất, cất nhà ta thường có câu “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”,
3 tiêu chí này luôn là kim chỉ nam để lựa chọn thổ cư và nếu lựa chọn được mảnh đất như vậy thì quả đúng là thiên thời – địa lợi – nhân hòa, báo hiệu một tương lai phát đạt, thịnh vượng đối với gia đình đó. Vậy, nếu đặt vào xã hội hiện nay, liệu lời nhận định ấy có còn đúng chăng?
Thứ Nhất, “Nhất Cận Thị”
Nhất cận thị có nghĩa là gần chợ. Tuy nhiên, “thị” ngày nay không chỉ bó hẹp trong nghĩa chợ nữa mà rộng hơn, nó chỉ các đô thị lớn, các trung tâm thành phố. Dù hiểu theo nghĩa “chợ” hay các “khu trung tâm sầm uất” thì “thị” đều đề cập đến tính tiện lợi, đẳng cấp. Sống gần trung tâm, người ta dễ dàng tiếp cận với các tiện nghi cuộc sống như trung tâm mua sắm, y tế, giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí đa dạng và hiện đại.
Nói vậy nhưng sự sầm uất ấy lại tiềm tàng sự ô nhiễm vô cùng nặng nề bao gồm không khí, tiếng ồn hay thậm chí là nguồn nước. Sự đắt đỏ trong chi phí sinh hoạt hàng ngày đòi hỏi mọi người cần làm việc cật lực để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình. Hơn thế, tâm lý mải miết kiếm tiền khiến những người dân thị thành ít có thời gian quan tâm đến nhau, những căn nhà ở đây luôn trong tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” khiến không ít người muốn “tháo cũi sổ lồng” về với chốn thôn quê thoáng mát, ấm áp nghĩa tình.
Ví Dụ Như Câu Chuyện Thứ Nhất:
Sáng nay tôi ngồi cà phê vỉa hè với mấy đứa em đã quen biết thân thiết nhiều năm. Vợ chồng Vượng – Nga cưới nhau đã được 6 năm, có 2 cậu con trai lanh lợi. Trong khi Nga sống cùng ba mẹ tại Sài Gòn, thì Vượng còn mẹ và các anh chị em đang ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Chợ Ninh Hiệp là khu chợ bán sỉ nổi tiếng ngoài Bắc, tất cả các mặt hàng giày dép, quần áo, vải vóc nhập chủ yếu từ Trung Quốc về. Người ta buôn bán tấp nập và đông khách vô cùng.
Cách nay chừng 10 năm, tôi có ra Hà Nội và ghé tới nhà Vượng chơi tại Ninh Hiệp. Nhà cậu nằm trong con ngõ nhỏ đổ bê tông, cách ngoài đường lớn chừng vài trăm mét. Con ngõ nhỏ, xe hơi không chạy vô được, vì vậy khá yên tĩnh.
Ở ngoài đường, vì trong thời gian còn nghỉ Tết, nên chỉ có lác đác vài nhà mở cửa hàng ra bán. Không khí chợ chẳng rõ rệt lắm. Giờ, Vượng kể, chợ Ninh Hiệp đã lan rộng ra cả một vùng rất lớn. Các nhà ở phía bên ngoài thuận tiện buôn bán đang được giao dịch với giá 500 triệu đồng/m2. Khủng khiếp chưa, 500 triệu đồng/m2! Như một con số giao dịch ảo, mà lại thật.
Hơn thế, cũng chẳng có ai bán để mà mua, vì chỉ cần cho thuê đúng 1m2 thôi, thì tiền thu về của chủ nhà đã là 1 tỷ đồng/năm. Một căn nhà người ta chia ra làm nhiều ô như vậy và chưa có chỗ nào vắng người ngồi buôn bán. Ai biết các mánh khoé bán buôn thì trực tiếp kinh doanh, còn lại thì chẳng làm gì cho mệt xác. Cứ cho thuê quách đi là khoẻ.
“Một năm, có nhiều nhà thu về tới 2 – 3 tỷ tiền cho thuê. Vậy thì cứ để nhà đó mà thu tiền, ai dại gì bán nhà”, Vượng giải đáp cho câu thắc mắc của tôi: “Nếu được 500 triệu đồng/m2 thì bán quách đi ở nơi khác!”.
Giá đất ở khu chợ lên cao như vậy, khiến cho đất phía bên trong dần dần cũng lên giá. Dù không buôn bán gì, nhưng người ta lại cần các kho để chứa hàng. Và thế là nước lên bèo lên. Mẹ của Vượng xây 8 kiốt cho thuê, cũng thu được tiền kha khá mỗi tháng. Bà còn chịu khó sáng sớm dậy bán xôi cho những người đi chợ. Cuộc sống đủ đầy hơn trước rất nhiều. Nhà gần chợ phải khác chứ!
Thứ Hai, “Nhị Cận Giang” Hay Phú Quý Sinh Tài
– Nhị cận giang yếu tố này được ưa chuộng từ bao đời nay. Các nền văn minh rực rỡ của nhân loại đều được hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn như văn minh Ai Cập – sông Nil, Ấn Độ – sông Hằng, Trung Hoa – sông Hoàng Hà… bởi nguồn nước từ các con sông phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trồng trọt và giao thương của con người… Hơn nữa, trước đây khi đường bộ chưa có nhiều, người xưa hoạt động thương mại chủ yếu bằng đường thủy. Các thương thuyền chở hàng buôn bán, đối lưu từ đồng bằng lên miền thượng du, thường cập hai bên bờ sông để mua bán trao đổi. Do đó, những khu vực ven sông, và những nơi có các bến thuyền thường là những nơi trù phú, nhà cửa chợ búa đông đúc, mua bán tấp nập. Còn trong phong thủy, “thủy” tượng trưng cho tiền, mang đến tài lộc, phú quý cho gia chủ.
Yếu tố thứ nhất khiến nhiều người đau đầu nhưng vẫn chưa… là gì so với điều thứ hai này. Thực vậy, do nước và rác thải sinh hoạt của các nhà máy, khu công nghiệp hay các hộ gia đình trực tiếp xả ra, các dòng sông xinh đẹp không còn nữa, thay vào đó là những con sông “chết”, bốc mùi hôi thối và là nơi trú ngụ lý tưởng cho những loài virus gây bệnh như sông Đáy, sông Nhuệ hay sông Tô Lịch…. Những người dân vốn nghĩ sống gần sông sẽ rất mát nên cửa nhà được mở thẳng ra sông để đón gió. Nào ngờ, giờ đây những cánh cửa ấy phải đóng im lìm ngày qua ngày vì ruồi muỗi và mùi hôi khó chịu.
Thứ Ba, “Tam Cận Lộ”
Tam cận lộ là vị trí gần đường luôn mang đến những thuận lợi để lưu thông, kinh doanh hay thông thoáng…thì giờ đây, những xa lộ với những luồng khói bụi cuồn lên vì những chiếc xe trọng tải lớn đi rầm rập suốt ngày đêm hay những tiếng còi inh ỏi bất kể đêm, ngày khiến cuộc sống của người dân nơi đây gần như bị đảo lộn. Họ phải mang cối đá, thân cây, hay tất cả những vật dụng trong nhà có thể để làm chướng ngại vật để ngăn không cho xe trọng tải lớn đi qua.
Ví Dụ Như Câu Chuyện Thứ Hai
Người xưa đã có câu đúc kết thiệt hay: Nhất cận thị, nhị cận giang. Nhà gần chợ và gần bến sông là hay nhất. Thế nào rồi cũng dễ kiếm kế sinh nhai. Bữa hôm có người bạn đi mua đất, ban đầu thì chê xa Sài Gòn quá, nhưng sau đó nghe nói vị trí gần nơi quy hoạch xây chợ thì ngay lập tức chuyển tiền đặt cọc.
Bạn kể, có cô em gái trước đây có cuộc sống khá khó khăn, phải đi làm thuê cho một xưởng dệt tư nhân tại Thủ Đức. Bà chủ là người tốt bụng, cứ mỗi lần mua đất ở đâu thì đều cho ké một chút xíu. Lời lại chia. Cứ vậy một thời gian thì cô em có một khoản vốn nhỏ.
Khi ấy, Bình Dương còn khá vắng người, cô bèn mang tiền đến mua một miếng đất 2 mặt tiền rộng rãi. Vài năm sau, chẳng ngờ nơi ấy là khu chợ bán hàng cho công nhân khu công nghiệp gần đó, khiến căn nhà có giá trị nhanh chóng. Từ 1 tỷ vốn ban đầu, sau 6 năm, người ta đã trả giá 8 tỷ đồng. Nhưng cô em không bán. Cô chia nhỏ mặt tiền ra thành nhiều ô để cho người ta thuê bán hàng. Mỗi tháng, cô bỏ túi đến 40 triệu đồng ngon ơ. Những người tới thuê mặt bằng của cô còn luôn miệng cám ơn vì đã cam kết cho thuê lâu dài.
Nhà gần chợ, ngoài giá trị gia tăng theo thời gian, còn có một lợi thế nữa: nếu như bỗng dưng mất việc, hoặc chỉ đơn giản là… chán sếp, thì về nhà mở bán mặt hàng gì đó cũng có đồng ra đồng vào. Không bao giờ sợ chết đói!
Có thể nói, trước đây 3 yếu tố kể trên được xem là điều kiện lý tưởng cho việc chọn đất làm nhà thì ngày nay, chúng chưa chắc đã là điều may mắn, trái lại, còn khiến nhiều người phải “hao tiền, tốn của” vì bệnh tật.
Tham khảo thêm: Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ:https://lichngaytot.com/blog-cuoc-song/nhat-can-thi-nhi-can-giang-tam-can-lo-700-218860.html
Nguồn: Sưu tầm